Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Trồng rau sạch kinh doanh ở nông thôn cần chú ý điều gì

0

Cập nhật vào 04/10

Với nhu cầu sử dụng rau sạch ngày càng cao của người dân, việc trồng rau sạch kinh doanh đang là xu hướng làm giàu hiệu quả ở nông thôn.

Nội dung trong bài

  1. Rau sạch là gì
  2. Các loại rau dễ trồng
  3. Quy trình trồng rau
    Chọn giống
    Xử lý đất
    Chăm sóc
    Thu hoạch

Việc trồng rau sạch có thể áp dụng cho mọi đối tượng, từ nhà ở trên phố, tới người có diện tích đất rộng. Tùy theo điều kiện, không gian sử dụng để trồng các loại rau sạch phù hợp.

Với những điều kiện, ưu thế của mình, mô hình trồng rau sạch làm giàu ở nông thôn là điều kiện để bạn khởi nghiệp với số vốn ít, lợi nhuận cao, ít rủi ro. Đây là một trong những ý tưởng kinh doanh ở nông thôn được đánh giá là hiệu quả nhất hiện nay với nông dân Việt.

1. Rau sạch là gì, tiêu chuẩn để xác định rau sạch

Rau sạch là các loại rau chứa các loại hàm lượng độc tố ở mức thấp nhất, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Rau sạch được sản xuất theo quy trình kỹ thuật với các tiêu chuẩn: Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích…

Rau sạch được người dân tin dùng ngày càng nhiều

 

Các loại độc tố có hàm lượng thấp để được coi là rau sạch: Nitrat, thuốc trừ sâu, các loại kim loại nặng, các loại vi sinh vật gây bệnh.

Có 3 loại tiêu chuẩn để định danh cho rau sạch: Tiêu chuẩn VietGAP, Tiêu chuẩn rau an toàn, Tiêu chuẩn rau hữu cơ.

Tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) – có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. Đây là tiêu chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

Tiêu chuẩn VietGAP

Tiêu chuẩn rau an toàn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong Quyết định tạm thời số 67/1998/QĐ-BNN-KHCN ngày 28-4-1998. Theo đó, rau an toàn phải có chất lượng đúng như đặc tính giống của nó. Hàm lượng các hóa chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.

Tiêu chuẩn rau hữu cơ là các tiêu chuẩn việt nam do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) ban hành, hoặc theo các tiêu chuẩn của nước ngoài. Hiện nay các tiêu chuẩn Việt Nam không được phép công khai chi tiết nội dung lên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ được sử dụng mua bán hợp pháp có bản quyền nên dù TCVN số 11041:2015 về thực phẩm hữu cơ đã ban hành và có hiệu lực được một thời gian, song rất nhiều địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lí nhà nước không biết đã có tiêu chuẩn này.

2. Các loại rau sạch dễ trồng, dễ kinh doanh

Để việc trồng rau sạch kinh doanh có hiệu quả, không nên trồng các loại rau yêu cầu thời gian trưởng thành dài, khó chăm sóc, kén người tiêu dùng. Nên trồng cách loại rau có thời gian trưởng thành khoảng 1-2 tháng, đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến và chấp nhận.

Một số loại rau dễ trồng để bạn lựa chọn:

Cải bó xôi (rau chân vịt). Đây là một loại ra rất dễ trồng, có thời gian trưởng thành ngắn (35 – 40 ngày), nhiều cách chế biến. Trồng loại rau này không có yêu cầu cao về kỹ thuật và chăm sóc. Rau không kén người ăn, đặc biệt, trong rau cải bó xôi rất giàu Vitamin nhóm B, K, Kali,… rất có lợi cho sức khỏe. Với những bà bầu, cải bó xôi là một loại rau an toàn cho sức khỏe bản thân và thai nhi.

Cải bó xôi (rau chân vịt)

Đậu đũa (đậu dải áo). Đây là một loại cây dây leo có thể trồng quanh năm. Thời gian cho thu hoạch khoảng 60 ngày kể từ lúc gieo hạt. Đậu đũa hầu như không kén người ăn, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong đậu đũa có chứa nhiều vitamin A, thiamin, riboflavin, sắt, phosphor và kali. Ngoài ra cũng giàu vitamin C, folat, magnesi và mangan.

Đậu đũa (đậu dải áo)

Dưa chuột (dưa leo). Đây là một lại cây dây leo rất phổ biến trên thế giới. Loại quả này có nhu cầu sử dụng rất cao quanh năm. Được sử dụng trong đời sống rất nhiều, từ làm rau ăn hàng ngày, tới làm hoa quả tráng miệng, hay được chị em dùng làm đẹp da. Thời gian cho thu hoạch kể từ khi gieo hạt của dưa chuột là 50 – 70 ngày. Yêu cầu của việc trồng dưa chuột, dưa leo là ánh sáng mặt trời (cần 6-8 tiếng nắng mỗi ngày để cây phát triển tốt nhất).

Rau theo mùa. Ở Việt Nam, miền Bắc và miền trung có 4 mùa/ năm, miền Nam có 2 mùa/năm. Vì vậy trồng các loại rau theo mùa như: cải bắp, cải chíp, su hào, cải mơ, xà lách… (mùa đông); rau muống, rau bí, mồng tơi, rau đay, mướp hương, rau dền, rau ngót… (mùa hè) là cách kinh doanh rau sạch hiệu quả nên áp dụng.

3. Quy trình trồng rau sạch an toàn

Để trồng rau sạch đúng tiêu chuẩn, có nhiều công đoạn phải áp dụng theo đúng quy trình. Từ khâu chọn giống, tới xử lý đất trồng, quá trình chăm sóc, và thu hoạch.

3.1. Chọn giống

Chọn giống là công đoạn đầu tiên của việc trồng rau sạch kinh doanh. Sử dụng giống tốt sẽ giúp cây dễ nảy mầm và phát triển mạnh.

Chọn giống rau

Khi chọn giống, cần chú ý các điểm sau:

  • Hạn sử dụng. thường các gói hạt giống được bán đóng gói đều có ghi rõ hạn sử dụng trên bao bì. Nếu hạt giống đã hết hạn sử dụng thì chắc chắn sẽ rất khó nảy mầm hoặc tỉ lệ nảy mầm thấp, dù cho bạn đã áp dụng đúng quy trình và kỹ thuật trồng rau sạch tại nhà. Khi đó rau phát triển sẽ yếu và rất dễ mắc bệnh.
  • Điều kiện bảo quản hạt giống. Thường, trên bao bì hạt giống sẽ có ghi điều kiện bảo quản cho hạt giống. Nên chọn những túi hạt giống còn nguyên vẹn, không bị rách nát hay bạc màu, đảm bảo còn tên thương hiệu và công ty sản xuất. Ngoài ra, cần phải kiểm tra xem hạt giống có sử dụng chất bảo quản hay không. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng khi chọn giống rau sạch. Vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của rau mà quan trọng hơn là nó sẽ gây hại đến cho sức khỏe người sử dụng.

3.2. Chọn đất, xử lý đất, xử lý nước

Sau khi chọn được giống tốt, việc tiếp theo là xử lý đất trồng.

Đất được coi là nền tảng của cây trồng, đất nào cây ấy. Vì vậy, phải biết cải tạo và sử dụng đất, chọn cây trồng thích hợp với đất, biết thâm canh để cải tạo vườn rau.

Chọn đất trồng rau

Yêu cầu đối với đất trồng rau phải là đất tốt, nhiều màu, tầng đất canh tác dày, thoát nước nhanh và có khả năng thấm nước cao (đối với rau trồng cạn), giữ được nước liền chân (đối với rau trồng ở nước).

Thường, khi quyết định việc khởi nghiệp trồng rau sạch ở nông thôn, chọn địa điểm là việc cần được tiến hành sớm. Những địa điểm không quá xa khu đô thị, có giá không quá cao, dễ đi lại sẽ được ưu tiên. Những địa điểm xa khiến việc đi lại gặp khó khăn sẽ ít được lựa chọn hơn.

Để hạn chế tối đa các loại sâu bệnh, côn trùng gây hại cho vườn rau của mình, bạn có thể chọn phương pháp quây kín đất trồng rau, hoặc dùng nilon để phủ xung quanh các luống đất.

Xử lý đất trồng rau

Đất trồng vụ này sang vụ khác, cùng với sự tác động của tự nhiên, đất đai bị bạc màu, rửa trôi… vì thế phải tiến hành cải tạo dất, để có đất tốt thích hợp trồng rau.

Xử lý đất trồng rau

Đất vườn:

  • Với đất cát khó giữ ẩm, mùa khô hạn cây dễ bị chết, cần bố trí cây trồng thích hợp và tăng lượng phân hữu cơ (đặc biệt là phân chuồng hoai mục).
  • Với đất nặng, nhiều sét, cần thêm đất cát pha, đất phù sa và bón nhiều phân hữu cơ.
  • Với đất nhẹ, bón phân hữu cơ, bùn ao phơi khô và đập vụn.
  • Với đất chua mặn, bón nhiều phân hữu cơ, vôi bột và phân N, P, K hợp lý.
  • Với đất gò, đồi dốc, tiến hành san đất, tạo thành ruộng bậc thang.
  • Trong đất có nhiều sỏi, đá,… cần phải được nhặt bỏ, diệt trừ cỏ dại tận gốc, tạo mặt bằng trong vườn để dễ trồng và tiện chăm sóc. Cần phải được lên luống đều và thẳng.

Với phương pháp trồng rau trong khay đất, có thể cải tạo đất với một trong 3 biện pháp: Cải tạo đất bằng phân hữu cơ, hoặc phân bón vi sinh, hoặc phân trùn quế.

Cải tạo đất bằng phân hữu cơ:

  • Nếu đất trồng của bạn bị bạc màu bạn nên dùng phân bò đã qua xử lý để cải tạo vườn rau, để cải tạo đất trồng, sẽ giúp đất tơi xốp hơn và giàu chất dinh dưỡng.
  • Trộn theo tỷ lệ: 1 bao phân bò 10dm3 + 1 bao đất tribat 10dm3
  • Nếu bạn trồng rau trong thùng xốp thì để được 5 thùng đất để trồng rau
  • Ngoài phân bò để cải tạo vườn rau cho gia đình bạn thì có thể dùng phân cá để cung cấp hàm lượng dinh dưỡng cho đất
  • Bạn có thể trộn trực tiếp tăng ca với đất như thế chắc sẽ được cung cấp chất dinh dưỡng

Cải tạo đất bằng phân bón vi sinh

  • Phân bón vi sinh rất có lợi cho rễ cây phát triển,  loại này được sử dụng nhiều cho các cây trồng và nhiều loại rau khác nhau
  • Trộn theo tỉ lệ: 1 bao phân vi sinh 10dm3 + 1 bao tribat.

Cải tạo đất bằng phân trùn quế

Trộn phân trùn quế đã phơi khô trộn với đất,  sau đó đem hạt giống gieo trên đất này,  rau hoặc cây trồng sẽ được cung cấp một hàm lượng đạm cực lớn, giúp giữ ẩm, duy trì độ tơi cho đất, giúp cây trồng luôn khỏe mạnh

Xử lý nước

Đất là nơi để rau sinh trưởng và phát triển, nhưng nước cũng là một yêu cầu không thể thiếu với bất kì sinh vật nào. Phải đảm bảo nguồn nước để tưới cho cây.

Đối với những địa điểm ở gần sông, suối, kênh, mương thì vấn đề nước cung cấp cho việc trồng rau không đáng ngại. Nhưng đối với địa điểm xa nguồn nước tự nhiên, cần đào thêm ao chứa nước để dự trữ nước cho cây trồng, và giữ ẩm cho đất.

3.3. Trồng rau, chăm sóc rau

Ủ giống

Để giúp hạt giống rau đủ độ ẩm nẩy mầm, hãy ngâm hạt trong thời gian 6-10 giờ. Sau đó đem ủ lại trong lớp khăn ướt trong thời gian 1-2 ngày. Khi thấy hạt vừa nức vỏ thì mới bắt đầu trồng vào luống đất/chậu đất đã xử lý tốt.

Tưới nước

Quá trình tưới nước khi trồng rau sạch cũng rất quan trọng. Không phải cứ tưới liên tục sẽ tốt. Tưới nước quá nhiều, hay quá ít đều ảnh hưởng tới sự phát triển của rau. Có khi còn khiến rau bị chết. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của rau mà có chế độ tưới nước phù hợp.

Tưới nước khi trồng rau sạch

Yêu cầu nước tưới phải sạch, không chua mặn. Đối với cây rau ăn lá, nên tưới theo kiểu phun mưa bằng bình tưới có gương sen, còn đối với rau ăn quả thì tưới vào gốc.

Thông thường, sau khi gieo hạt và lấp lên trên hạt giống rau một lớp đất bột mỏng hay là sau khi trồng cây giống, cần phải tưới nước để đảm bảo cho hạt nảy mầm, cây bén rễ được tốt.

Những đêm có sương muối, sáng ra phải tưới nước lên lá để rửa sương muối, đảm bảo cho cây phát triển tốt.

Tưới cây nên tưới vào buổi sáng sớm hoặc xế chiều. Chú ý với từng loại đất, mức độ thấm hút nước và giữ nước là khác nhau.

Tưới nước cho cây cũng đòi hỏi những cách thức cụ thể hợp lý. Tưới nước nhiều cây bị ngập úng, tưới ít nước thì không đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển. Công cụ để tưới cũng cần phải lựa chọn, tránh làm rửa trôi lớp đất màu mỡ, phì nhiêu khi tưới nước.

Phân bón

Để quá trình trồng rau sạch được đảm bảo đúng nồng độ các loại chất hóa học theo quy định, không nên sử dụng phân hóa học để thúc cây lớn nhanh, cho kết quả trong thời gian ngắn. Nên hòa phân NPK, các loại khoáng chất cần thiết vào nước tưới cây để cung cấp dần cho rau.

Nên tưới cây vào sáng sớm hoặc chiều tối, khi ánh nắng đã không chiếu trực tiếp tới cây là thích hợp nhất.

Việc bón phân cho rau cũng là điều kiện để các loại cỏ dại phát triển mạnh. Nên thường xuyên nhổ cỏ dại để rau có điều kiện phát triển tốt nhất.

Ánh sáng

Mỗi loại rau đều có đặc tính riêng của nó. Có loại rau cần nhiều ánh sáng mặt trời, có loại ra ưa bóng râm, có loại rau cần ít ánh sáng. Tùy theo mô hình trồng rau của mình là loại cây gì, mà có biện pháp cung cấp ánh sáng phù hợp nhất để rau phát triển.

3.4. Thu hoạch

Với những loại rau có thể cho thu hoạch nhiều lần như mồng tơi, rau đay, rau ngót… khi cắt rau nên dùng dao hay kéo bén cắt rau không làm dập thân nhánh. Nhờ vậy cây rau sẽ cho lại nhánh mới.

Thu hoạch rau sạch

Với những loại rau sạch phải nhổ cả cây khi thu hoạch. Nên nhổ cả cây tỉa thưa ăn dần, các cây cải còn lại sẽ nhanh lớn hơn do không bị canh tranh dinh dưỡng.

Sau mỗi đợt nhổ hay cắt rau thu hoạch nên bổ sung phân vô cơ và hữu cơ ( phân trùn quế) để rau trồng mau mọc thêm nhánh lá mới.

Khâu cuối cùng của quá trình trồng rau sạch, đó là đầu ra của sản phẩm. Cần phải thực hiện việc tìm nơi tiêu thụ ổn định cho vườn rau song song với quá trình trồng cây. Một dự án khởi nghiệp trồng rau được coi là thành công khi toàn bộ quá trình được thực hiện suôn sẻ; Cây rau sau khi thu hoạch sẽ có địa chỉ để nhập hàng; Tiền vốn quay vòng đều đặn để có thể mở rộng diện tích canh tác lớn hơn, ổn định hơn.

Nội dung bài viết được tổng hợp bởi kinhnghiemkhoinghiep.net.

4.7/5 - (4 bình chọn)
Share.

Comments are closed.