Cập nhật vào 17/08
Kinh doanh quán cơm luôn là ý tưởng hấp dẫn và hợp thời, bởi không gì có thể làm giảm đi nhu cầu ăn uống của con người. Thực tế cũng đã cho thấy, nhiều người thành công và giàu lên nhờ mở quán cơm. Tất nhiên, không phải tất cả những ai đã và đang lựa chọn con đường này đều được như vậy. Làm sao để mở một quán cơm thành công và tồn tại được lâu dài? Dưới đây là 8 kinh nghiệm mở quán cơm đắt khách đã được chúng tôi tổng hợp lại, hãy cùng tham khảo ngay nhé!
1. Lập bảng kế hoạch và chi phí càng chi tiết càng tốt
Thay vì chỉ áng chừng để chuẩn bị vốn mở quán cơm, thì việc lên kế hoạch chi tiết, cụ thể từng chi phí chính là bước đầu tạo dựng thành công cho việc kinh doanh của bạn.
Thực tế sẽ rất khó để lường hết những chi phí phát sinh khi mở quán cơm để tính toán cụ thể nhất. Nhưng sẽ có những chi phí cố định mà bạn có thể vạch ra như:
- Chi phí cửa hàng: mặt bằng, trang trí, bàn ghế, thiết bị nấu bếp (như tủ nấu cơm, nồi chiên điện, lò nướng,…), bát đũa, bàn ghế, hộp và đũa để ship đồ ăn, túi bóng, các trang thiết bị cho quán (như quạt, điều hòa, đèn, tủ lạnh,…)
- Chi phí nguyên liệu nấu ăn
- Chi phí nhân công
- Các chi phí phát sinh như: địa điểm trông xe, dịch vụ giao hàng, giấy phép hoạt động, in ấn biển bảng, chạy quảng cáo,…
Trong số các khoản chi sẽ có khoản chỉ chi đầu tư một lần, nhưng sẽ có những khoản đều đặn hàng tháng. Dựa vào bảng tính chi tiết này, bạn có thể dự trù được khoản vốn cần chuẩn bị để duy trì hoạt động quán trong tối thiểu 6 tháng hay 1 năm, khoản nào chắc chắn phải có, khoản nào có thể cắt giảm hay tiết kiệm được,…
2. Dành thời gian tìm hiểu về thị trường
Một tiệm cơm thành công và đắt khách là tiệm biết nắm bắt được tâm lý thị trường. Với khách hàng thì phải hiểu đối tượng mà quán sẽ hướng tới là những ai, họ có những thói quen gì, họ sẽ sinh sống ở khu vực nào, thu nhập là bao nhiêu, họ sẽ phù hợp với những món ăn như thế nào,…
Với đối thủ cũng cần biết ưu nhược điểm của họ là gì, họ đang bán với mức giá là bao nhiêu và bán như thế nào, họ thành công ở điểm nào và chưa hoàn thiện ở đâu,…
Từ đó, bạn sẽ rút ra được cho mình một hướng đi và chiến lược bán hàng phù hợp để thành công.
3. Chọn vị trí cửa hàng đắc địa
Vị trí kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng trong mô hình kinh doanh quán cơm. Những địa điểm thuận tiện đi lại, tập trung đông đối tượng khách hàng tiềm năng sẽ giúp tăng tỷ lệ khách vãng lai cho quán cơm của bạn.
Các vị trí có đặc điểm như nằm ở mặt đường, có chỗ để xe thoải mái, nằm gần trường học, bệnh viện, khu công nghiệp,… nên được ưu tiên lựa chọn hơn.
4. Chọn hình thức bán hàng phù hợp
Có nhiều hình thức bán khi mở quán cơm, mỗi hình thức sẽ có những ưu nhược điểm như:
- Quán cơm gọi món: với hình thức này khách hàng sẽ được tùy ý lựa chọn món ăn yêu thích và thanh toán theo mức giá đã niêm yết. Với hình thức này bạn sẽ cần có một thực đơn chất lượng, đa dạng với các món ăn phù hợp với khẩu vị của đại đa số.
- Quán cơm bán theo suất: với hình thức này bạn sẽ chỉ cần nấu số lượng món nhất định trong ngày, chia khay đóng hộp mặc định, khách hàng sẽ không được chọn món theo sở thích, bởi vậy sẽ phù hợp với hình thức bán online hoặc quán ăn mở tại các trường học, bệnh viện,…
- Quán cơm buffet: đây là một hình thức cơm tự phục vụ, bạn cũng sẽ nấu sẵn một lượng món nhất định trong ngày nhưng người dùng được tùy ý lựa chọn món ăn theo ý muốn rồi tính tiền.
5. Thiết kế menu và định giá
Mức giá và các món đặt ra phải đáp ứng các tiêu chí: Hợp lý với khách hàng và có sức cạnh tranh với đối thủ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chủ động thay đổi thực đơn hoặc thêm món đặc biệt định kỳ theo tuần hoặc theo ngày để thu hút khách hàng hơn.
Ngoài ra, việc tính giá cơm theo suất có thể áp dụng theo công thức Food cost. Theo đó mức giá cuối cùng sẽ được tính bằng giá chi phí mua ban đầu chia cho tỷ lệ phần trăm chi phí thực phẩm (thường rơi vào khoảng 25 đến 55%).
6. Đầu tư vào decor và các thiết bị cho quán
Thẩm mỹ luôn là yếu tố đầu tiên để tạo thiện cảm với khách hàng. Nếu so sánh giữa việc: quán này đồ ăn ngon nhưng ngồi khó chịu, với quán này đồ ăn được nhưng không gian đẹp và ngồi thoáng mát, tất nhiên trường hợp thứ 2 sẽ giữ chân khách hàng quay lại cao hơn.
Thêm vào đó, đừng tiếc tiền đầu tư vào các thiết bị máy móc hiện đại để quán cơm của bạn vận hành chuyên nghiệp và trơn tru hơn.
- Các thiết bị cần cho không gian quán như: quạt điện, điều hòa, đèn chiếu sáng, tủ mát để nước lạnh, thùng rác,…
- Các thiết bị cho bếp nấu cần có như: nồi điện để nấu canh, hầm xương; tủ nấu cơm điện công nghiệp, tủ đông, tủ giữ nóng món ăn, bếp điện chiên dầu,…
Các sản phẩm này sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá thời gian, công sức và chi phí nhân công trong vận hành bếp.
7. Xây dựng văn hóa phục vụ
Văn hóa và thái độ phục vụ sẽ là điều khiến khách yêu mến và tăng tỷ lệ quay lại quán cơm của bạn.
Một nụ cười thân thiện, cử chỉ nhanh nhẹn nhiệt tình, hay thái độ cầu thị tiếp nhận thông tin phản hồi của quản lý hay chính chủ quán, tất cả sẽ tạo nên một văn hóa phục vụ tốt, ghi dấu ấn trong lòng khách hàng.
8. Kết hợp bán hàng online
Các app đặt đồ ăn như Now, Bae Min, Shopee Food sẽ là các phương tiện giúp bạn tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn, bởi vậy đừng bỏ qua chúng khi mở quán cơm nhé. Việc kết hợp giữa bán hàng online và offline sẽ giúp bạn tăng doanh thu đáng kể đấy.
Trên đây là những kinh nghiệm mở quán cơm đắt khách được tổng hợp và chắt lọc lại từ những người kinh doanh thành công. Hy vọng những điều mà chúng tôi chia sẻ sẽ giúp ích bạn trên con đường kinh doanh sắp tới. Chúc bạn thành công và đắt khách.